Đó là chia sẻ từ TS. Đinh Công Trường (Nhóm chuyên môn Kỹ thuật hàng không & Vũ trụ, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách Khoa Hà Nội) sau thời gian 5 tuần (14/8-17/9/2023) nhóm sinh viên Propulsion System Laboratory, chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không thực tập tốt nghiệp tại DASM dưới sự hỗ trợ chuyên sâu của TS. Vũ Việt Dũng.
TS. Vũ Việt Dũng – Chuyên gia cao cấp Viện Phát triển & Ứng dụng Vật liệu âm thanh (DASM) (giữa) & TS. Đinh Công Trường (Nhóm chuyên môn Kỹ thuật hàng không & Vũ trụ, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách Khoa Hà Nội) (thứ hai từ phải qua) cùng đại diện nhóm sinh viên thực tập tốt nghiệp
TS. Dũng đánh giá cao tinh thần tích cực tham gia nghiên cứu và kết quả hoàn thành tốt mà nhóm 4 sinh viên đạt được. Trong khi đó, Trưởng nhóm Lê Ngọc Bồn hào hứng cho biết: “Viện Phát triển & Ứng dụng Vật liệu âm thanh có môi trường văn phòng làm việc văn minh, chuyên nghiệp. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, máy móc đầy đủ, tiên tiến và theo em thấy là tiện nghi nhất Việt Nam hiện nay. Chúng em thật sự may mắn, vinh dự khi nhận được sự hướng dẫn tận tình, chu đáo của TS. Vũ Việt Dũng. Tuy thời gian thực tập không dài nhưng cả nhóm đã có một cơ hội bổ ích để tích lũy thêm được rất nhiều kiến thức mới mẻ, lý thú về âm học và chế tạo được acoustic camera – sản phẩm phục vụ nghiên cứu chuyên ngành. Chúng em tin tưởng rằng DASM chính là địa chỉ lý tưởng hàng đầu để cho các bạn sinh viên hoặc tất cả những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu chuyên môn về âm học đến thực tập, liên kết, hợp tác… v.v… Cá nhân em rất hài lòng về kết quả mình đạt được sau quá trình thực tập ở đây và hy vọng rằng trong tương lai sẽ còn nhiều dịp khác học hỏi – cộng tác với Viện!”
Acoustic camera là một hệ thống di động có thể được sử dụng để trực quan hóa âm thanh và nguồn gốc của chúng. Bản đồ các nguồn âm thanh trông giống như hình ảnh nhiệt được tạo ra trong vòng vài giây. Nguồn tiếng ồn có thể được khoanh vùng nhanh chóng và phân tích theo các tiêu chí khác nhau. Mục đích tạo ra acoustic camera là để hiện thực hóa việc nhìn thấy âm thanh, xác định được vị trí nguồn âm trong không gian và cho biết cường độ âm thanh tại vị trí đó. Ứng dụng thực tiễn của sản phẩm này ở chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không là giúp xác định vị trí phát ra tiếng ồn từ động cơ hoặc đo đạc nguồn ồn tại các sân bay nhằm khắc phục và xử lý tiếng ồn hiệu quả, dễ dàng hơn.
TS. Vũ Việt Dũng – Chuyên gia cao cấp Viện Phát triển & Ứng dụng Vật liệu âm thanh (DASM) (giữa) & nhóm 4 sinh viên Propulsion System Laboratory, chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách Khoa Hà Nội
Đánh giá về hoạt động – kết quả thực tập tốt nghiệp nêu trên, TS. Đinh Công Trường nhận định: “Rất cảm ơn Ban Lãnh đạo cùng các chuyên gia cao cấp, các thành viên Viện DASM đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sinh viên ĐH Bách Khoa đến nghiên cứu. Tôi có theo dõi xuyên suốt quá trình và đánh giá khá tốt về kết quả thực tập. Sẽ có hội đồng khoa học thảo luận chi tiết, chấm điểm tốt nghiệp các em vào thời gian tới. Tôi cũng sẽ trao đổi lại với những nhóm nghiên cứu khác của ĐH Bách Khoa để trong tương lai giữa nhà trường và Viện DASM ngày càng phát triển mối quan hệ liên kết, hợp tác bền chặt. Trước mắt, tôi đang đảm nhiệm/ phụ trách khá nhiều đề tài, dự án thí nghiệm/ thực hành về tiếng ồn và chắc chắn tôi luôn tin tưởng làm việc với DASM!”.
Thực tế, từ khi thành lập, Viện Phát triển & Ứng dụng Vật liệu âm thanh đã trở thành địa chỉ hàng đầu để tìm hiểu, nghiên cứu về âm học của sinh viên, nhóm nghiên cứu… các trường đại học khoa học – kỹ thuật hàng đầu Việt Nam. Liên kết giữa trường đại học – Viện DASM – doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy hoạt động khoa học – công nghệ; tăng cường chuyển giao kết quả nghiên cứu và ứng dụng để tối ưu hóa quy trình sản xuất – sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn và khẳng định – tôn vinh trí tuệ Việt Nam vươn tầm quốc tế.
Một số hình ảnh sản phẩm acoustic camera do nhóm 4 sinh viên Propulsion System Laboratory, chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không, Viện Cơ khí Động lực, ĐH Bách Khoa Hà Nội chế tạo trong đợt thực tập tốt nghiệp tại Viện DASM:
An Nhiên/ DASM